Các vùng miền Tục_thờ_hổ_ở_Việt_Nam

Loài hổ hiện diện trên khắp cả nước Việt Nam, từ miền đồng bằng Bắc Bộ cho đến miệt vườn sông nước miền Tây
Đình thần Vĩnh Phước
Tòa đình chính của Đình thần Vĩnh Phước tại Sa Đéc, Đồng Tháp, kiến trúc đình có bố trí cặp hổ vàng để trấn giữ.

Người Việt Nam kính sợ hổ, gọi hổ bằng Ông Ba Mươi, ông cọp, ông hổ, ông khái, ngài, chúa tể sơn lâm, chúa sơn lâm, chúa tể rừng xanh, mãnh hổ rừng xanh, mãnh chúa sơn lâm, mãnh hổ, nhưng tùy địa phương, tùy sinh hoạt, quan hệ giữa người và hổ không đồng nhất ở các vùng miền. Trong tâm lý người dân Miền Bắc và Miền Nam, cách tiếp cận với con cọp, hay Thần Hổ, có phần khác nhau. Tuy rằng ở đâu cũng sợ cọp, kiêng dè nhưng dường như người dân Bắc Bộ kinh sợ cọp hơn người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc, từ đồng bằng lên mạn ngược, có nơi sùng bái hùm thiêng, thờ phụng đến mê tín vào phương Nam, hình tượng sùng bái mê tín hổ mờ nhạt hơn phía Bắc, người dân Miền Nam cũng sợ cọp, nhưng chỉ là nỗi sợ hãi cụ thể, vật chất mà không sùng tín[5].

Ở Việt Nam nói chung và ở Nam Bộ nói riêng, khi mà cộng đồng người Việt từ khu vực miền Trung di cư vào đây theo quá trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam, đây vốn là vùng đất hoang sơ và rất hiểm trở. Một trong những biểu hiện cho sự hiểm trở và hoang sơ chính là sự hiện diện của loài cọp. Truyền thuyết về sự hóa thân của Phạm Nhĩ để biến thành ông Ba Mươi là một phương thức lý giải cho sự tôn sùng của mình dành cho loài động vật này[9][10][11]. Khi con người phải đương đầu với những khó khăn gì, những hiểm họa từ gì thì sẽ có xu hướng tôn sùng, e dè trước nó và sự tôn thờ hổ là điển hình, tại một số địa phương thì hổ trở thành ông Hương cả là một chức quan ở Nam Bộ hay sự sắc phong các danh hiệu "Sơn quân chi thần", "Sơn quân chúa xứ", "Sơn quân mãnh hổ".

Việc thờ thần Hổ ở ngoài Bắc đã mờ nhạt, chỉ còn là thờ Ngũ Hổ gắn với ngũ phương ngũ thần của Đạo giáo. Nhưng ở những miền đất mới khai phá nam Trung Bộ và Nam Bộ, ý niệm thần linh về loài thú dữ đã từng sát hại gây trở ngại bước tiến của con người còn khá đậm nét. Mối hiểm nguy từ con hổ ngay từ thời gian đầu vào khẩn hoang vẫn còn để lại dấu ấn và hiện hữu cho đến ngày nay thông qua những địa danh ở Nam Bộ. Dần dần về sau này, khi mà điều kiện môi sinh của con người đã dần được định hình, hổ không còn hiện diện một cách công khai như trước, song, con người vẫn còn giữ được sự tôn trọng của mình loài động vật này.

Không chỉ trên các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi dọc các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam được ghi nhận là có nhiều hổ mà trong các thế kỷ trước cả miền Nam từ Đồng Nai, Bà Rịa xuống đồng bằng sông Cửu Long đến mũi Cà Mau vẫn còn cọp, rắn lớn, cá sấu và các loài thú lớn hoang dã sinh sống đông đúc. Lưu dân đến lập nghiệp phải đối diện với những hiểm nguy khi tranh giành môi trường sống. Trong các thú, người dân rất sợ và kính nể "ông cọp". Ngày nay vẫn còn các đền thờ "ông cọp" ở nhiều tỉnh, làng quê miền Nam với hình ông cọp ngay trước đền thờ, đó là các bức bình phong có hình ông cả cọp.

Nhiều ngôi đình miếu ở nam Trung Bộ và Nam Bộ còn thờ thần Hổ với những tước vị Sơn quân (vua núi), Hương cả (anh cả hương ấp), Bạch nha hổ lang chi thần (thần hổ lang răng trắng). Rất nhiều ngôi đình miếu ở Nam Bộ, trên tấm bình phong giữa sân đình, tạc hoặc vẽ hình hổ. Tại một số đình, chùa ở Nam Bộ vẫn còn cho khắc hình tượng hổ lên trên các tấm bình phong đặt ngay trước cổng của công trình với mục đích là hù dọa các ông Ba Mươi không dám đến quấy phá dân làng. Đây là biểu hiện của sự phức tạp trong nhận thức của cư dân khi vừa tôn thờ cọp nhưng cũng đồng thời phải bắt buộc đối đầu để có được cuộc sống bình yên.

Cùng với rắn, hổ là một trong hai hình tượng con vật trung tâm trong truyện kể dân gian một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam. Trong tín ngưỡng thờ con vật của các dân tộc, con hổ xuất hiện phổ biến và là nhân vật chính trong tiểu loại truyện cổ tích loài vật, hổ còn xuất hiện với vai trò là nhân vật trợ giúp thần kỳ. Xuất hiện phổ biến, hình ảnh con hổ và con rắn đã tạo ra những dấu ấn riêng có trong truyện kể các dân tộc minh chứng cho tín ngưỡng coi trọng và thờ cúng các con vật ở một số dân tộc. Các dân tộc tiêu biểu như dân tộc Thái, Tày, Mường từ lâu vẫn duy trì một số tục thờ các con vật trong đó có hai loài hổ và rắn với một niềm tin thiêng liêng về sự phù trợ tốt lành cho đời sống con người[12].

Điều này khá tương đồng với văn hóa của khu vực Tây Nam Bộ khi các câu chuyện của nhân dân địa liên quan đến hai lớp tín ngưỡng thờ Hổ và tín ngưỡng thờ Rắn. Buổi ban đầu đi mở đất, xuất hiện lớp tín ngưỡng đầu tiên là thờ thần tự nhiên (Cọp và Rắn) do các cư dân đến khai phá tạo nên. Hổ, rắn, cá sấu (ba loài nguy hiểm nhất) trở thành những đối tượng mà họ vừa cầu thân, thờ cúng vừa đấu tranh, chinh phục để tồn tại. Hổ gợi nhắc về vị thần núi, chúa sơn lâm thì hình tượng rắn lại gợi nhắc về vị thủy thần là hai vị thần quan trọng bậc nhất trong thần điện của người Việt và cặp biểu tượng Núi-Nước (Sơn-Thủy), Âm-Dương được tái hiện qua hai hình tượng Hổ-Rắn, những huyền thoại về ông Hổ, về đôi Rắn Thần vẫn còn trong tâm thức người dân[13].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tục_thờ_hổ_ở_Việt_Nam http://www.doisongphapluat.com/doi-song/truyen-thu... http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/chuyen-tho-h... http://vannghetiengiang.thotre.com/news/Nghien-cuu... http://www.baodanang.vn/channel/6059/201303/ong-ba... http://baotayninh.vn/chuyen-ve-mieu-ong-ho-va-cay-... http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong... http://www.baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/201... http://cadn.com.vn/news/64_154821_ly-ky-chuye-n-sa... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/H... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/N...